Quy định pháp luật: Website bắt buộc phải có cấp phép hay không?

1. Nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng là gì?

Theo Điều 21 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng như sau:

Việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức báo điện tử, xuất bản điện tử và quảng cáo trên mạng phải tuân theo các quy định của pháp Luật về báo chí, xuất bản và quảng cáo.

Việc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng dưới hình thức mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp phải tuân theo quy định tại Mục 2 Chương III và các quy định có liên quan tại Nghị định này.

Việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động phải tuân theo quy định tại Mục 3 Chương III và các quy định có liên quan tại Nghị định này.

Việc quản lý, cung cấp, sử dụng nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành phải tuân theo quy định của pháp Luật chuyên ngành và các quy định có liên quan của Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp Luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng.
Thông tin riêng của tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật theo quy định của pháp Luật. Việc kiểm soát thông tin riêng trên mạng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp Luật.

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng không được tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ trừ các trường hợp sau đây:

+ Người sử dụng đồng ý cung cấp thông tin;
+ Các tổ chức, doanh nghiệp có thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ cho việc tính cước, lập hóa đơn, chứng từ và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng;
+ Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp Luật.

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp Luật. Tổ chức, cá nhân khi lưu trữ, truyền đưa trên mạng thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp Luật.

2. Quy định về website bắt buộc phải có cấp phép hay không?

2.1. Website cung cấp thông tin điện tử tổng hợp

Theo khoản 2 điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định: “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.”

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 4, điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP: “Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.”

2.2. Website của các báo điện tử

Việc cấp giấy phép hoạt động của các trang báo này được thực hiện theo quy định của Luật báo chí.

2.3. Website cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến

Dịch vụ mạng xã hội trực tuyến là dịch vụ cung cấp cho cộng đồng rộng rãi người sử dụng khả năng tương tác, chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin với nhau trên môi trường Internet, bao gồm dịch vụ tạo blog, diễn đàn (forum), trò chuyện trực tuyến (chat) và các hình thức tương tự khác.

Các website loại này nếu được thiết lập bởi doanh nghiệp thì bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký với Bộ thông tin và truyền thông mà không cần đăng ký cấp phép hoạt động. Lưu ý là các website có chuyên mục diễn đàn do cá nhân thiết lập hoạc các blog cá nhân không thuộc đối tượng của quy định này.

2.4. Website cá nhân

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP: Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.

Như vậy, trang thông tin điện tử cá nhân không cần đăng ký xin cấp phép. Trang thông tin điện tử cá nhân cần phải tuân theo các quy định về đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet và các quy định có liên quan tại Nghị định này (Căn cứ theo khoản 3 điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP

Tuy nhiên nếu website cá nhân chia sẻ các thông tin tự viết hoặc sưu tầm từ các website khác mang tính chất thông tin tổng hợp thì cần thực hiện thủ tục xin cấp phép hoạt động quy định tại khoản 2 điều 20 và khoản 4, điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Tóm lại, nếu chỉ là website cá nhân giới thiệu về bản thân và chia sẻ các giá trị nội dung hữu ích mà không vi phạm pháp luật sẽ không cần phải xin cấp phép. Trường hợp cần cấp phép thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

Hi vọng rằng với bài viết kể trên bạn sẽ nắm rõ các quy định của pháp luật trước khi xây dựng website cá nhân và thực hiện các mục tiêu khác nhau mà không phải lo ngại vấn đề có vi phạm hay không. Như vậy bạn đã biết website bắt buộc phải có gì, không bắt buộc phải có gì để tiếp tục vận hành và phát triển. Chúc bạn sức khỏe và thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *